Các cơn đau ở đầu gối có thể xuất phát từ các chấn thương hoặc là triệu chứng của bệnh lý về xương khớp. Khi xuất hiện các dấu hiệu đau đầu gối, bạn nên thăm khám sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm hoặc khó điều trị về sau.

1. Đau đầu gối là bệnh gì?

Đau đầu gối là dấu hiệu cho thấy xuất hiện tổn thương ở trong và xung quanh khớp gối, từ các mô mềm, gân, sụn, dây chằng và túi hoạt dịch. Trong đó, khớp gối có vị trí tiếp giáp giữa: phần dưới của xương lồi cầu đùi, phần trên của xương chày (mâm chày) và mặt sau của xương bánh chè (che chở mặt trước của khớp gối). Do có cấu tạo phức tạp, chịu áp lực lớn từ toàn bộ trọng lượng cơ thể và là một trong những khớp có tần suất hoạt động nhiều nhất nên khớp gối rất dễ bị tổn thương.

Tìm hiểu cấu trúc khớp gối

Đau nhức đầu gối xảy ra rất phổ biến, gây ra nhiều ảnh hưởng đến vận động, khiến người bệnh khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống của họ. Không chỉ là cơn đau thông thường, đau nhức khớp gối cũng có thể là một sự cảnh báo về các căn bệnh xương khớp tiềm ẩn nguy hiểm.

2. Nhận biết triệu chứng đau đầu gối

Những dấu hiệu sau cảnh báo đầu gối của bạn đang gặp vấn đề, mức độ tổn thương thế nào còn phụ thuộc vào nguyên nhân chính xác:

  • Đau nhức khớp gối
  • Sưng rõ, có thể quan sát bằng mắt
  • Đầu gối nổi đỏ, khi chạm vào cảm thấy ấm
  • Cứng khớp
  • Nghe tiếng lạo xạo trong khớp
  • Khớp gối bị dị dạng, cong hoặc lõm
  • Mất cảm giác ở đầu gối
  • Mất khả năng duỗi thẳng hoặc uốn cong đầu gối
  • Một số triệu chứng toàn thân có thể kèm theo: sốt, ớn lạnh.

3. Nguyên nhân đau đầu gối phổ biến

3.1. Chấn thương đầu gối

Chấn thương đầu gối là một trong những loại chấn thương phổ biến và nghiêm trọng nhất. Chấn thương do chơi thể thao, tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động làm tổn thương đến xương, sụn, dây chằng. Cơn đau có thể xuất phát từ:

Bong gân

Đây là tình trạng tổn thương ở một vài bó sợi hoặc giãn dây chằng, nhưng không làm đứt dây chằng. Khi bị bong gân, đầu gối rất đau, bầm tím quanh khớp do máu tụ lại, vùng bong gân nóng lên.

Tổn thương dây chằng

Dây chằng chéo trước rất dễ bị giãn hoặc đứt do té chống chân xoay người. Tổn thương dẫn đến cơn đau ở khớp gối, sưng nề, hạn chế vận động gối. Sau 2-3 tuần, các triệu chứng mất dần nhưng sẽ xuất hiện hiện tượng teo cơ, liên kết giữa xương đùi và xương chày trở nên lỏng lẻo.

Tổn thương sụn chêm

Khi mang vác vật nặng hoặc xoay gối đột ngột, sụn chêm sẽ bị rách, gây đau và sưng nề đầu gối. Một số trường hợp, mảnh sụn rách có thể lọt vào giữa khe khớp, gọi là hiện tượng kẹt khớp, bắt buộc phải phẫu thuật nội soi cấp cứu để cắt sụn chêm.

Gãy xương

Trong khớp gối, xương bánh chè dễ bị gãy nhất nếu có tác động mạnh diễn ra đột ngột. Khi ấn nhẹ vào ổ xương bị gãy sẽ có cảm giác đau nhói, bầm tím, mất cử động hoàn toàn nếu bị gãy rời hai đầu xương.

Trật khớp

Hiện tượng này xảy ra khi đầu của xương bị lệch khỏi vị trí ban đầu, gây đau và sưng tấy. Người thường xuyên chơi thể thao thường bị trật xương bánh chè hoặc trật khớp chày đùi.

Viêm bao hoạt dịch gối

Bao hoạt dịch là túi chứa chất lỏng, lót đệm ở ngoài khớp gối, giúp gân và dây chằng có thể lướt nhịp nhàng trơn tru. Các chấn thương đầu gối có thể khiến bao hoạt dịch bị viêm, gây ra các cơn đau, làm khớp gối bị cứng.

3.2. Dấu hiệu của bệnh lý xương khớp

Khi bị đau khớp gối làm người bệnh luôn trong tình trạng lo âu. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh lý nguyên nhân, người bị đau khớp gối sẽ sớm thoát khỏi cơn đau dai dẳng. Các bệnh lý này bao gồm:

Thoái hóa khớp gối

Xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể hoặc một số yếu tố nguy cơ như tai nạn, béo phì, vận động gắng sức, không thường xuyên luyện tập thể dục, ăn uống thiếu chất, thói quen hay ngồi xổm… Người bệnh có cơn đau ở mặt trước và trong khớp gối, nghe tiếng lụp cụp khi gấp duỗi, đau tăng khi vận động.

Viêm khớp gối

Khi bị viêm khớp, xương sụn trơn bị mòn đi, trở nên xù xì và thô ráp. Các khớp xương ma sát nhiều, làm giảm việc hấp thụ các chấn động ở sụn khớp, gây đau và vận động khó khăn. Cơn đau ở gối thường xuất hiện vào sáng sớm, kèm theo hiện tượng cứng khớp kéo dài tối đa 30 phút.

Viêm khớp dạng thấp

Bệnh lý tự miễn gây tổn thương nghiêm trọng màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn, gây đau khớp, cứng khớp, lâu dần dẫn đến biến dạng khớp, dính khớp.

Bệnh gout

Đây là bệnh rối loạn chuyển hóa tăng axit uric trong máu, trong khớp xương, chèn ép dây thần kinh cảm giác. Gout không chỉ biểu hiện rõ ở ngón chân cái, mà còn có thể tác động lên khớp gối.

Bàn chân bẹt

Lòng bàn chân phẳng có thể gây căng thẳng cho các dây chằng bên của đầu gối, khiến khớp gối dễ bị lệch, tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.

3.3. Các yếu tố nguy cơ khác

Bên cạnh chấn thương và bệnh lý về xương khớp, có rất nhiều nguyên nhân khác có thể khiến bạn phải đối mặt với chứng đau nhức đầu gối, bao gồm cả lối sống kém lành mạnh. Cụ thể, những thói quen xấu như thức khuya, sử dụng nhiều chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá, lười vận động,…) về lâu ngày sẽ khiến xương khớp yếu đi và dễ mắc phải các bệnh lý. Bên cạnh đó, việc tăng cân quá nhanh cũng là nguyên nhân khiến cho khớp gối tổn thương do phải chịu áp lực lớn ngay cả trong các hoạt động bình thường như đi bộ hoặc lên xuống cầu thang. Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị của bệnh đau gối do lên xuống cầu thang ngay TẠI ĐÂY.

4. Các cách giảm đau nhức đầu gối

Khi xuất hiện các triệu chứng đau nhức đầu gối, không ít người đã tự ý điều trị bằng cách đắp thuốc theo mẹo dân gian hoặc tiêm thuốc vào khớp. Tuy nhiên, nếu dùng sai cách, không chỉ tình trạng đau nhức trở nên trầm trọng hơn mà người bệnh còn có nguy cơ bị hoại tử khớp, yếu các chi, liệt toàn thân…

Chích thuốc vào đầu gối chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời, không có tác dụng điều trị gốc rễ của bệnh

Để đảm bảo an toàn, khi bị đau đầu gối, bệnh nhân nên tích cực nghỉ ngơi, kết hợp với các bài tập giảm đau, chườm nóng/ lạnh, massage và điều chỉnh tư thế. Nếu tình trạng đau vẫn không thuyên giảm hoặc đã có tiền sử bệnh, người bệnh nên đi thăm khám càng sớm càng tốt. Cụ thể:

4.1. Nghỉ ngơi

Bạn có thể làm giảm các cơn đau khớp gối bằng cách nghỉ ngơi. Điều này sẽ giúp cho các mô ở khớp gối có thời gian hồi phục, từ đó làm giảm các cơn đau và tránh nguy cơ bị tổn thương. Tuy nhiên, nghỉ ngơi không đồng nghĩa với chỉ ngồi hay nằm yên một chỗ vì điều này có thể dẫn đến cứng khớp và làm yếu cơ.

4.2. Tập các bài tập giảm đau đầu gối

Sau khi các mô ở khớp gối đã dần phục hồi, bạn có thể thử các bài tập dành cho đầu gối. Những bài tập này có tác dụng tăng cường sức mạnh cơ bắp chân trên như cơ tứ đầu đùi (có tác dụng bảo vệ khớp gối), từ đó hạn chế đau nhức đầu gối. Để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh để bị chấn thương, bạn nên thực hiện theo hướng dẫn của các chuyên gia xương khớp.

Sau đây là các bài tập dành cho người bị đau nhức khớp gối tại nhà:

4.3. Chườm lạnh và chườm nóng

Chườm nóng và chườm lạnh đều rất tốt cho các cơn đau ở đầu gối. Chườm lạnh có tác dụng giảm đau nhanh chóng, đồng thời làm chậm tốc độ viêm và giảm nguy cơ sưng tấy cũng như tổn thương mô nên rất phù hợp cho những cơn đau do chấn thương sau 48 giờ. Trong khi đó, chườm nóng lại hiệu quả hơn trong việc điều trị đau cơ hoặc đau khớp mạn tính nhưng không thể áp dụng cho người có da bị viêm, nóng, xuất hiện vết thương hở…

4.4. Chú ý tư thế vận động hợp lý

Điều chỉnh tư thế hợp lý sẽ giúp bạn giảm đau khớp gối hiệu quả. Sau đây là một số lưu ý về tư thế khi bị đau gối:

  • Ngồi thẳng lưng, tránh nghiêng sang 2 bên.
  • Không nên ngồi quá lâu vì điều này sẽ làm khớp trở nên cứng và khó vận động.
  • Có thể kê thêm gối để tăng chiều cao, giúp tạo sự thoải mái khi ngồi.
  • Nên chọn các loại giày có thể hỗ trợ tư thế hoạt động phù hợp.

4.5. Điều trị dứt điểm bằng trang thiết bị hiện đại

Những giải pháp trên sẽ giúp khắc phục các cơn đau khớp gối một phần. Để điều trị tận gốc chứng đau nhức khớp gối, đặc biệt là đau do chấn thương và bệnh lý, người bệnh cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để thực hiện xét nghiệm và có liệu trình điều trị phù hợp.

Tại phòng khám chúng tôi, người bệnh sẽ được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên môn hàng đầu, đồng thời bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như chụp X-quang, chụp CT, siêu âm, chụp MRI đầu gối bên đau để tìm ra nguyên nhân. Kế tiếp, tùy theo nguyên nhân và tình trạng hiện tại của người bệnh mà bác sĩ sẽ lên liệu trình điều trị phù hợp.

Để hạn chế tối đa bệnh khớp gối, các bác sĩ chúng tôi khuyên chúng ta ngay từ khi còn trẻ nên có ý thức bảo vệ xương khớp, ngăn ngừa các yếu tố gây đau khớp gối bằng cách:

  • Bổ sung Canxi, Kali, Magie, Vitamin nhóm B, C, E…
  • Luôn có ý thức tập luyện thể dục, thể thao đều đặn, trước khi tập cần khởi động kỹ.
  • Nên đứng thẳng, tránh ngồi lâu hoặc nằm lâu, làm giảm áp lực đè ép lên sụn khớp.
  • Không nên vận động quá sức, ngừng ngay nếu cảm thấy đau ở đầu gối.
  • Mang giày phù hợp với kích cỡ bàn chân và cấu trúc cơ thể.
  • Tránh tăng cân quá mạnh, mất kiểm soát.
  • Sử dụng thực phẩm chức năng tăng cường độ dẻo dai cho khớp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *